[ad_1]
Góc học tập của Sơn chỉ là một chiếc bàn nhỏ kê tạm dưới mái nhà lủng lỗ chỗ
Vắng cha từ lúc nằm trong bụng mẹ, mẹ bị thần kinh tâm trí không bình thường, hằng ngày một cô tân sinh viên tại khu xóm quanh chợ Thanh Quýt, xã Điện Thắng Trung (Điện Bàn, Quảng Nam) sau giờ học lại cầm chổi tre quét chợ, lúc thì ngồi phụ mẹ canh nhà vệ sinh để lấy tiền mua sách áo đi học.
Cô gái là Trần Thị Sơn – người quét chợ lâu năm ở Thanh Quýt – vừa đậu vào Đại học Ngoại ngữ Huế.
Vừa là chuồng nuôi gà vịt, vừa là chỗ ở
Cô bé nghèo quét chợ Thanh Quýt nhiều năm qua giờ đã là sinh viên đại học
Công việc quét chợ hằng ngày của Sơn diễn ra suốt mấy năm đi học. Sau giờ tan trường, Sơn về nhà thay quần áo rồi cầm chổi tre rảo quanh giữa khu chợ quê để dọn rác cùng mẹ. Khoản tiền công mà hai mẹ con được trả là từng đồng tiền lẻ khách đưa mỗi lần ra vào nhà vệ sinh.
Đầu mùa mưa, ngôi nhà của mẹ con Sơn và bà ngoại nằm ở sâu trong hẻm khu dân cư thêm ẩm ướt. Ở góc nhà, những viên ngói đã rữa mục, nước xuyên qua mái và đổ tràn lên chiếc giường ngủ.
Bà Tuân – ngoại của Sơn – kể rằng ngôi nhà mà bà ở được làm từ mấy chục năm trước, lúc đó vì không có gỗ đóng giường nên phải dùng sắt thép ghép lại.
Trong nhà, phần gạch nung lát nền đã mòn và lắp xắp nước, vết nứt chân chim chạy dọc bức tường đã vênh ngả. Dưới gian nhà bếp, ngoài một bếp củi dành để nấu nướng hằng ngày thì đâu cũng là chỗ để nhốt gà, tổ rơm cho gà đẻ trứng.
Bà Tuân bảo, ngoài bán hàng ở chợ, bà phải nuôi thêm gà, vịt nữa mới đủ đong gạo hằng ngày. Do không có chỗ nhốt nên gà vịt phải nhốt ngoài trời, nhiều lần trộm vào bắt sạch nên bà phải biến nhà bếp thành chuồng gà, chỗ nuôi ngan, vịt.
Thương mẹ khờ, con ngoan
Sơn cùng mẹ (giữa) và bà ngoại
Bà Nguyễn Thị Liên – con gái bà Tuân và cũng là mẹ của Sơn – ngờ nghệch nhìn người lạ vào nhà.
“Liên không hẳn là tâm thần, nhưng là một dạng thần kinh nhẹ, tâm tính không bình thường. Mấy chục tuổi đầu rồi mà tôi vẫn phải nuôi như con mọn, ai nói gì nó cũng tin” – bà Tuân nói.
Xót con bị gia đình chồng đối xử tệ bạc, bà Tuân phải đưa con gái cùng cháu về nuôi. Hằng ngày bà gánh rau ra ngồi ở góc chợ bán. Khoản tiền chắt chiu ít ỏi dành hết về mua gạo cho cháu, cho cô con gái ngớ ngẩn.
Mấy năm trước, bà xin cho con được dọn dẹp trong chợ Thanh Quýt, kiếm được đồng nào hay đồng đó. Công việc ấy dù nặng nhọc, nhưng bù lại thì chẳng phải tính toán gì, nên con gái khờ của bà làm được.
Thương bà ngoại và mẹ, hai cô con gái ngoài giờ học lại tất tưởi chạy ra phụ dọn dẹp, riêng Sơn công việc ở chợ đã diễn ra từ ngày biết cầm chổi. Quét chợ mỗi ngày như vậy mẹ con Sơn thu được 50.000 – 100.000 đồng tiền phí đi vệ sinh của khách, cũng chẳng đủ để đong gạo cho mấy miệng ăn.
Nhiều tiểu thương và người dân ở quanh chợ Thanh Quýt tới giờ biết rõ hoàn cảnh mẹ con bà Liên.
“Tụi tui toàn cho thêm để mẹ con bả có cái ăn. Thương nữa là mẹ khờ nhưng cả hai đứa con gái đứa nào cũng ngoan, học giỏi” – một chủ quầy rau nói như vậy khi được hỏi về mẹ con bà Liên.
“Hay là cháu đi làm công nhân?”
Cô nữ sinh phụ bà làm việc nhà trước khi nhập học
Chị gái đầu của Sơn cũng từng là một cô bé quét chợ quen mặt ở Thanh Quýt, giờ đã là sinh viên năm thứ 3 Đại học Sư phạm Đà Nẵng.
Kỳ thi vừa qua, Trần Thị Sơn đậu vào 3 trường đại học và chọn theo ngành ngôn ngữ Anh, Đại học Ngoại ngữ Huế. Bà Tuân bảo, như thử thách của ông trời, bà không hiểu vì sao hai đứa cháu lại học giỏi như thế trong cảnh nghèo nàn.
“Có một học kỳ cháu đạt học sinh tiên tiến, tui hỏi sao lại chỉ tiên tiến mà không phải là giỏi. Cháu khóc và bảo là bạn bè cháu ăn rồi đi học, còn cháu thì chỉ học nửa ngày, thời gian còn lại thì quét chợ, coi nhà vệ sinh từ trưa tới khuya thì còn sức đâu nữa. Tôi nghe xong bật khóc vì quá thương cháu” – bà Tuân kể.
“Tui bảo cháu hay là cháu nghỉ học đi làm công nhân đi!”. Nghe vậy cháu khóc, buồn tủi mấy ngày. Thầy giáo chủ nhiệm nghe chuyện cũng tìm tới nhà bảo tôi ráng cho cháu học cho có tương lai. Giờ cháu vào đại học, tôi cũng chẳng biết nhìn vào thứ gì…”, bà nói.
Đồ họa: NGỌC THÀNH
Cùng Tuổi Trẻ tiếp sức tân sinh viên vượt khó đến trường
Học bổng Tiếp sức đến trường 2022 chính thức được khởi động từ ngày 8-8, dự kiến trao khoảng 1.000 suất, mỗi suất 15 triệu đồng. Tổng kinh phí hơn 15 tỉ đồng.
Khởi đầu với 27 suất trong mùa đầu tiên, sau mỗi năm số học bổng lại tăng lên nhờ kết nối từ nhiều nguồn, giúp cho nhiều tân sinh viên khó khăn đến với giảng đường cao đẳng, đại học.
Tính đến nay, học bổng Tiếp sức đến trường đã hỗ trợ 22.370 tân sinh viên khó khăn không bỏ lỡ ước mơ đến giảng đường với tổng số tiền hơn 164,5 tỉ đồng.
Mùa học bổng thứ 20 năm nay, báo Tuổi Trẻ phối hợp với 63 tỉnh, thành đoàn trong việc xét trao học bổng cho tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn trên cả nước.
Tuổi Trẻ cũng tiếp tục mở các kênh tiếp nhận đóng góp cho chương trình. Bạn đọc ủng hộ học bổng cho tân sinh viên vui lòng chuyển vào tài khoản báo Tuổi Trẻ: 113000006100, Ngân hàng Công thương (VietinBank) chi nhánh 3 TP.HCM. Nội dung: “Ủng hộ Tiếp sức đến trường cho tân sinh viên”.
Bạn đọc, doanh nghiệp ở nước ngoài có thể chuyển khoản về báo Tuổi Trẻ: tài khoản USD 007.137.0195.845 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM; tài khoản EUR 007.114.0373.054 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM với Swift code BFTVVNVX007.
Báo Tuổi Trẻ sẵn sàng tiếp nhận đóng góp kinh phí, quà tặng, các thiết bị học tập (máy tính, balô, tập sách, gói data, các khóa học ngoại ngữ…), phương tiện đi lại, chỗ trọ miễn phí, việc làm cho tân sinh viên…
Hỗ trợ chương trình trực tiếp tại phòng tiếp bạn đọc báo Tuổi Trẻ (60A Hoàng Văn Thụ, phường 9, quận Phú Nhuận, TP.HCM – ĐT: 028.39973838) hoặc văn phòng đại diện báo tại các tỉnh thành.
Tân sinh viên cần giúp đỡ, hoặc người giới thiệu vui lòng cung cấp thông tin tại link này.
[ad_2]
Source link