[ad_1]
Chiều 17.6, Văn phòng Giáo dục Hoa Kỳ (EducationUSA) thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ tổ chức buổi định hướng du học cho học sinh – sinh viên trước khi đến Mỹ. Chương trình tại TP.HCM thu hút hơn 150 học sinh – sinh viên và phụ huynh tham gia. Một số vấn đề được đề cập và giải đáp về thị thực (visa) và chuẩn bị giấy tờ, hòa nhập văn hóa mới và lời khuyên từ những sinh viên đang học tập tại Mỹ.
Các du học sinh tương lai giao lưu với những sinh viên, cựu sinh viên từ các ĐH tại Mỹ |
Nhiều câu hỏi về vấn đề thị thực
“Tôi không lo lắng khi có khác biệt văn hóa, chỉ quan tâm về thủ tục visa và môi trường học tập để kịp chuẩn bị cho chuyến đi năm sau”, Nguyễn Trung Nguyên, sinh viên song ngành Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM và ĐH South Dakota (Mỹ), chia sẻ với PV Thanh Niên. Không chỉ riêng Nguyên, nhiều sinh viên tham gia sự kiện thắc mắc liệu rằng họ cần phải gia hạn visa mỗi năm vì visa du học sinh Việt Nam chỉ có thời hạn 1 năm.
Giải đáp những băn khoăn này, ông David Rogge, viên chức lãnh sự thuộc Tổng lãnh sự Mỹ tại TP.HCM, cho biết: “Visa là giấy thông hành để nhập cảnh vào Mỹ. Chỉ cần du học sinh duy trì, cập nhật tình trạng học tập và nếu chỉ ở Mỹ, không rời khỏi nước này trong suốt quá trình học tập thì không cần phải gia hạn visa”. Tuy nhiên, trong trường hợp, du học sinh trở về Việt Nam (hoặc sang quốc gia khác) và visa sắp hết hạn thì cần làm thủ tục gia hạn thị thực mới có thể quay lại Mỹ, theo ông David.
Bên cạnh đó, theo ông David, nếu là lần đầu tiên tới Mỹ du học, một sinh viên quốc tế phải nhập cảnh 30 ngày trước khi chương trình học chính thức bắt đầu. “Trước khi lên đường, ngoài việc đảm bảo mang theo hộ chiếu còn thời hạn, các bạn phải đảm bảo tất cả thông tin cá nhân của mình trên visa phải chính xác. Nếu có bất kỳ chi tiết nào sai sót thì bạn phải liên hệ với đại sứ quán hoặc lãnh sự quán để điều chỉnh kịp thời. Mặt khác, du học sinh phải đảm bảo mang bên mình tất cả giấy tờ tùy thân, tuyệt đối không bỏ chúng vào hành lý ký gửi trên máy bay”, ông David nói.
Ông David giải đáp nhiều thắc mắc quanh vấn đề gia hạn visa |
Văn hóa cũng là một nỗi lo
Ngoài vấn đề thị thực, việc hòa nhập văn hóa cũng là một nỗi lo lắng của du học sinh. Được nhận vào ĐH Nam California chuyên ngành Quản trị kinh doanh, Minh Hoàng, học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM), chia sẻ: ”Vì đây là lần đầu tiên em sẽ đặt chân tới Mỹ nên mọi thứ còn rất mới và sợ rằng sẽ ảnh hưởng đến việc học”.
Cùng chung nỗi băn khoăn, Minh Anh, học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (được nhận vào ĐH Lehigh), lo lắng sự khác biệt giữa Mỹ và Việt Nam sẽ là trở ngại trong môi trường học tập mới. “Em mong muốn được tìm hiểu rõ hơn về văn hóa nước bạn để có thể kết bạn và hòa nhập hơn trong quá trình sắp tới”, Minh Anh bày tỏ.
n
Để giải đáp những thắc mắc này, diễn giả Devon Catwell-Chavez, nghiên cứu sinh Fulbright tại Việt Nam, chia sẻ về cuộc sống và văn hóa trong môi trường đại học, như cách vượt qua những môn đại cương, những cơ hội khi tham gia những câu lạc bộ, hội nhóm…
Cô Devon Catwell-Chavez tạo nhiều hứng thú khi nêu ra sự khác biệt văn hóa Mỹ – Việt Nam |
Cô đề cập thêm về những biện pháp an toàn trong trường học như cách bảo vệ mình khỏi việc bị tấn công tình dục trong trường học. Bên cạnh đó, nhiều học sinh tham gia buổi giới thiệu cũng thắc mắc về vấn nạn xả súng tại trường học hiện đang gây rúng động. Đáp lại, cô Catwell-Chavez chia sẻ: ”Đây là một vấn đề nhức nhối và nhiều người vẫn đấu tranh để mang đến một môi trường học tập an toàn cho các du học sinh quốc tế”.
Sau khi đã được giải đáp những thắc mắc về vấn đề thị thực và văn hóa, các du học sinh tương lai được gặp gỡ những sinh viên, cựu sinh viên từ các ĐH tại Mỹ để có một cái nhìn thực tế hơn về cuộc sống và môi trường học tập tại đất nước này.
Các du học sinh tương lai hào hứng đặt câu hỏi tại sự kiện |
Phát biểu khai mạc sự kiện, bà Marie C. Damour, Tổng lãnh sự Mỹ tại TP.HCM, cho biết: “Việt Nam đứng thứ 6 trong danh sách những nước có số du học sinh theo học tại Mỹ đông nhất, với hơn 30.000 trong tổng số hơn 1 triệu sinh viên quốc tế đang theo học nhiều ngành học khác nhau tại Mỹ”.
Theo bà Damour, với gần 4.000 trường cao đẳng và đại học, Mỹ mang đến nền giáo dục đẳng cấp thế giới cho các du học sinh ở nhiều ngành nghề khác nhau. Bà Damour tin rằng giáo dục sẽ là nền tảng để phát triển kinh tế Việt Nam và mối quan hệ lâu dài giữa hai quốc gia. ”Sự hiện diện của du học sinh Việt Nam góp phần định hướng tương lai mối quan hệ hợp tác giữa hai nước”, bà Damour nói thêm.
[ad_2]
Source link