[ad_1]
Không ít bạn trẻ bắt đầu tìm hiểu và học cách để yêu thương hoàn thiện nhất có thể – Ảnh: DUYÊN PHAN
Thoải mái, được làm những điều mình thích, được ăn những món ngon mà không cần nhìn vào ánh mắt dò xét của người khác, được sống thảnh thơi không phải lo sợ bị phản bội, không phải liên tục nhắn tin hay gọi điện thoại cho ai đó mỗi ngày… là suy nghĩ chung của không ít cô gái gen Z ngại yêu.
Điều gì khiến gen Z thay đổi quan điểm sống và yêu?
Độc thân để làm điều mình thích?
Nguyễn Huyền Nga (25 tuổi, họa sĩ, ngụ TP.HCM) cho biết bản thân lười hẹn hò vì độc thân giúp cô tự chủ được nhiều mặt trong cuộc sống, đặc biệt là thời gian và tài chính.
Nga chia sẻ: “Khi hẹn hò, cần phải dành rất nhiều thời gian để quan tâm và nói chuyện với người mình yêu. Điều đó làm mình thiếu đi thời gian dành cho công việc cũng như thời gian chăm sóc bản thân. Sau một ngày làm việc mệt mỏi, trở về nhà mình chỉ muốn được nghỉ ngơi”.
Nga thậm chí cho rằng nếu một ai đó bước đến cuộc sống của bạn, giúp bạn quá nhiều thứ thì nó sẽ trở thành thói quen. Và khi họ rời đi, bạn sẽ cảm thấy cuộc sống trở nên khó khăn hơn rất nhiều vì lúc đó bạn đã bị phụ thuộc quá nhiều vào người yêu.
Sau khi kết thúc mối tình thời sinh viên, Phương Thảo (24 tuổi, kế toán, Đồng Nai) cho biết cô không còn cảm giác muốn yêu và hẹn hò, thậm chí là không muốn lập gia đình.
Khi được hỏi về lý do, Thảo tâm sự: “Mình đã đặt tất cả niềm tin và hy vọng vào mối tình thời sinh viên, nhưng khi nó đổ vỡ, mình đã mất niềm tin và suy sụp hoàn toàn. Có lẽ chính vì lý do đó nên bây giờ mình sợ yêu”.
Dù thời gian đã trôi qua nhưng Phương Thảo vẫn không tự tin để bước vào một mối quan hệ mới. Mỗi lúc rảnh rỗi, cô thường rủ bạn bè đi chơi hoặc đi phượt vào những ngày nghỉ dài. Theo Thảo thì độc thân vẫn là một lựa chọn tốt nếu mình biết tận hưởng cuộc sống, để theo đuổi đam mê và thực hiện những gì mình vẫn mơ ước.
Không phải ế mà… chờ người tử tế mới yêu!
Kiều Trang (23 tuổi, sáng tạo nội dung, thành viên cộng đồng LGBT) chọn xu hướng độc thân vì theo Trang tình yêu của những người trong giới như cô thường khó bền vững.
Trang nhìn nhận: “Với tôi, hạnh phúc đơn giản là tự do tài chính, mua những món đồ ưng ý, làm những điều mình muốn và được đi những nơi bản thân ao ước. Nếu mai này già đi, việc sống tại nhà thuê người giúp việc hay sống tại viện dưỡng lão cũng tốt mà.
Nhất là hiện nay Việt Nam cũng bắt đầu có nhiều viện dưỡng lão chất lượng cao theo mô hình các nước phát triển”. Nhưng Trang cũng cho rằng đến một lúc nào đó mình cũng sẽ hò hẹn, yêu đương khi gặp đúng người.
Bạn trẻ đi chơi biển Vũng Tàu – Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Nhiều mối bận tâm hơn chuyện yêu đương?
Thực tế cho thấy không ít bạn trẻ thuộc thế hệ gen Z đang phải ưu tiên cho những mối quan tâm khác nhau hơn là suy nghĩ đến chuyện yêu đương.
Từ việc hoàn thiện bản thân, nâng cao kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp… để đạt được những thành công trong sự nghiệp. Chính từ lẽ đó mà đôi lúc những người trẻ lại rất khó trong việc cân bằng giữa sự nghiệp và tình yêu. Nói khác hơn, giữa những chuỗi ngày tất bật và vội vã ấy đã khiến việc hò hẹn, yêu đương trở thành chuyện xa xỉ. Để rồi khi có những thành công nhất định, bạn trẻ lại lựa chọn việc tận hưởng bản thân bằng việc đi du lịch, giải trí, học tập thêm những điều mới hay tự chăm sóc bản thân thay vì phải bận tâm đến một ai đó.
Tuy các bạn trẻ ngày nay có vẻ ngại yêu nhưng lại khá hào hứng để kết bạn trên các mạng xã hội.
Nhờ đó, họ dễ dàng kiếm được những người bạn có cùng đam mê, sở thích và quan điểm sống. Ở mối quan hệ này, các bạn được thoải mái thể hiện cá tính của bản thân mà chẳng có bất kỳ sự ràng buộc nào.
Thỉnh thoảng là những cuộc hẹn offline để cùng ăn uống, chuyện trò, giải trí… Sau đó mỗi người lại trở về với công việc, những đam mê của bản thân mà chẳng phải lo lắng có người đang đợi mình để san sẻ, yêu thương.
Có một số bạn trẻ ngại yêu do chẳng thể nào quên được nỗi đau vì những đổ vỡ trước đó. Nhưng cũng có người chưa từng yêu, chưa từng chịu sự tổn thương nào nhưng lại ngại ngùng để bắt đầu một mối quan hệ. Bởi lẽ họ đã chứng kiến quá nhiều sự tan vỡ trong tình yêu từ bạn bè, người thân nên họ tự tạo ra một vùng an toàn bảo vệ bản thân để không là “nạn nhân” tiếp theo.
Bên cạnh đó, khi thời đại công nghệ lên ngôi, ngày càng có nhiều ứng dụng hẹn hò trực tuyến xuất hiện đáp ứng nhu cầu kết bạn, giao lưu của thế hệ gen Z. Tuy nhiên, việc hẹn hò trực tuyến cùng với những mối quan hệ chóng vánh, không ràng buộc khiến nhiều bạn trẻ không còn hứng thú với chuyện yêu đương cùng những ràng buộc nhất định.
Một số bạn trẻ khác lại cảm thấy sợ khi bắt đầu một mối quan hệ mới, sợ cảm giác ai đó bước đến cuộc sống của mình rồi lại khiến mình đau đớn và bỏ đi.
Xã hội ngày càng phát triển, kéo theo đó là rất nhiều những thú vui giúp cho người trẻ có thể tận hưởng hết mình mà không cần những người đồng hành bên cạnh. Tuy nhiên, tình yêu chân thành vẫn luôn là động lực giúp các bạn trẻ vượt qua khó khăn, thử thách để cùng hướng đến tương lai.
Độc thân hay hẹn hò đều là sự lựa chọn và sẽ chẳng có đúng hoặc sai. Bởi mỗi cá nhân đều có sự lựa chọn cho riêng mình một phong cách sống.
Những kỳ vọng không đúng với thực tế
Dù muốn hay không, truyền thông vẫn đang giúp bạn phác họa lên hình mẫu lý tưởng về người bạn đời của mình trong tương lai.
Bỗng nhiên bạn nhận ra những tiêu chuẩn mà bạn đang mong chờ người ấy đều không đáp ứng được, để rồi bạn cảm thấy thất vọng về người mình yêu.
Yêu nghĩa là tìm được một ai đó đồng điệu tâm hồn với mình. Nhưng đôi lúc chính sự ngưỡng mộ những hình tượng hoàn hảo do truyền thông dựng lên làm nảy sinh mâu thuẫn trong tâm trí bạn khi đem tình yêu của chính mình ra so sánh.
Ảnh hưởng từ mạng xã hội
Mạng xã hội là nơi mà hàng ngàn hội nhóm được tạo ra, hàng triệu người vào đó bày tỏ ý kiến, hàng ngàn cuộc tranh luận sôi nổi. Tiếp xúc với quá nhiều nguồn thông tin từ mạng xã hội cũng khiến thế hệ gen Z chịu sự chi phối về tư tưởng, suy nghĩ và cuối cùng là cách hành động.
Một số xu hướng được mạng xã hội tung hô như: sống vì bản thân chứ đừng sống vì suy nghĩ hay ước muốn của người khác, hãy làm những điều mình thích, thanh xuân mỗi người chỉ được vài năm… cũng ít nhiều ảnh hưởng đến hội chứng “ngại yêu” ở thế hệ này.
Thảo Nghi
Sống nhanh, khó quá bỏ qua
Nhiều bạn trẻ vẫn mong muốn yêu, vẫn mong muốn được yêu. Gen Z có đặc điểm sống rất nhanh, cái gì khó quá bỏ qua vì có nhiều lựa chọn khác.
Sâu xa, gen Z “sống” trên mạng nhiều hơn đời thường, hình ảnh trên mạng của bạn bè và những người xung quanh đã được gọt giũa nên lung linh và rất đẹp. Điều này khiến trong vô thức nhiều bạn trẻ khao khát được sống giống hình mẫu họ thấy, được trải nghiệm những hạnh phúc như người mình xem qua hình ảnh mà vô tình bỏ qua rung động, cảm xúc thật của tuổi mới lớn. Do đó bỗng dưng yêu trở thành lựa chọn thứ yếu.
Trương Anh
[ad_2]
Source link