[ad_1]
Học sinh cần ngủ trưa không? Nhiều em nói vui mình như Nobita lúc nào cũng “thèm” ngủ ảnh minh họa: ngọc dương |
Học sinh “thèm” ngủ
T.B, học sinh lớp 12 Trường THPT Bùi Thị Xuân, Q.1 (TP.HCM) nói vui: “Tụi em cảm giác mình như Nobita, có thể đặt lưng xuống bất cứ đâu, vào lúc nào cũng có thể ngủ ngon và ngủ say, chứ không chỉ là ngủ trưa hay ngủ đêm. Ngày nào cũng đi học rồi học bài tới 12 giờ khuya, có hôm 1, 2 giờ sáng vẫn lọ mọ làm bài, ôn thi. Sáng thì 6 giờ, 6 giờ hơn đã dậy rồi nên tụi em tranh thủ chút nào buổi trưa, dù 20 hay 30 phút có thể chợp mắt được là chợp mắt luôn. Mà tụi em không dám nằm ngủ, vì sợ nằm là ngủ say vài tiếng đồng hồ luôn, khó dậy được để học nên đa phần nằm gục xuống bàn, ngồi ngủ trên ghế”.
Cô Nguyễn Thị Hiền, giáo viên môn sinh học, Trường THPT Yên Khánh A, Ninh Bình, thừa nhận có một thực tế là học sinh cuối cấp, học sinh THPT ôn thi tốt nghiệp, thi vào ĐH học tập rất căng thẳng nên tình trạng thường thấy là “ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương”.
Theo cô Hiền, chuyện quen thuộc thường ngày của các em học sinh cuối cấp là học buổi sáng trên trường, buổi trưa về nhà tranh thủ ăn cơm, nghỉ ngơi được khoảng 30-45 phút rồi lại đến trường học tiếp. Buổi tối về nhà học bài tới khuya, chuẩn bị cho các kỳ thi lớn phía trước.
“Về mặt khoa học thì các em độ tuổi THCS, THPT cần ngủ mỗi ngày 8 đến 10 tiếng (cả ngủ trưa và ngủ đêm), nhưng trong thực tế số thời gian các em được ngủ ít hơn nhiều, nhất là các em học sinh lớp 12 đang ôn thi tốt nghiệp THPT, có khi có em được ngủ một ngày chỉ 5 tiếng rưỡi, 6 tiếng”, cô Nguyễn Thị Hiền chia sẻ.
“Nếu được nghỉ trưa 30-45 phút với học sinh THPT cũng rất tốt. Nếu không ngủ, các em có thể nằm nhắm mắt, cho mắt nghỉ ngơi, thư giãn đầu óc, rồi dậy rửa mặt cho tỉnh táo cũng giúp cho tinh thần sảng khoái hơn, buổi chiều học tập tốt hơn”, cô Hiền nói.
Poll TNO
Học sinh ngủ trưa
Thầy Lê Quang Thái, giáo viên môn sinh học, Trường THPT Thủ Đức, TP. Thủ Đức, TP.HCM cho biết tại trường thầy đang công tác, học sinh bán trú sau khi ăn trưa xong tại trường, các em chuẩn bị đồ đạc để tới phòng ngủ trưa. 11 giờ 15 phút là giờ tập trung ngủ trưa, học sinh ổn định trật tự, giáo viên giám thị điểm danh, đảm bảo đến 11 giờ 30 là giờ ngủ của tất cả học sinh.
Học sinh sẽ ngủ trưa tới 12 giờ 30, sau đó thức dậy rửa mặt, vận động cho tỉnh táo, để bắt đầu giờ học buổi chiều lúc 13 giờ.
“Giấc ngủ trưa cần thiết với học sinh chứ. Nhất là các em THPT phải học tập căng thẳng. Giấc ngủ giúp cơ thể được nghỉ ngơi, thư giãn, tái tạo năng lượng để buổi chiều có thể học tập, tham gia các hoạt động trên lớp hiệu quả”, thầy Thái chia sẻ.
Học sinh bán trú tại một trường tiểu học ở TP.HCM sau giờ ăn trưa, các em thu dọn đồ đạc, chuẩn bị ngủ trưa |
n
Bác sĩ nói gì về giấc ngủ trưa của học sinh?
Thạc sĩ, bác sĩ Bùi Diễm Khuê, giảng viên Trường ĐH Y Dược TP.HCM, Phó chủ tịch Chi hội Bệnh lý mất ngủ Việt Nam, bác sĩ phụ trách chuyên môn phòng khám Menthy (Q.5, TP.HCM) cho biết:
“Nhìn chung, với lịch học ở các trường công lập tại Việt Nam, trẻ từ 3 đến 6 tuổi cần ngủ 10 – 12 tiếng một ngày (tính cả thời gian ngủ đêm và ngủ trưa). Tốt nhất là mỗi buổi tối đi ngủ lúc 21 giờ, 6 giờ sáng hôm sau dậy. Trẻ trong độ tuổi mầm non, vào buổi trưa nên ngủ từ 2 – 3 tiếng.
Trẻ trong độ tuổi tiểu học nên ngủ mỗi ngày 9 tới 11 tiếng. Trẻ học lớp 1 có thể ngủ mỗi ngày 11 tiếng, nhưng nếu là trẻ học lớp 5 có thể ngủ mỗi ngày 9 tiếng. Tùy vào mỗi bé, có bé ngủ ít, có bé sẽ ngủ nhiều hơn, nếu bé ngủ ít hơn nhưng vẫn thấy khỏe mạnh thì điều đó không đáng lo. Trong độ tuổi tiểu học, trẻ nên ngủ trưa từ 1-2 tiếng mỗi ngày”.
Thạc sĩ, bác sĩ Bùi Diễm Khuê |
Học sinh THCS, THPT ngủ trưa thế nào?
Thạc sĩ, bác sĩ Bùi Diễm Khuê cho biết trẻ trong độ tuổi THCS, THPT thì nên ngủ mỗi ngày từ 8 tới 10 tiếng. Mỗi giấc ngủ trưa khoảng 30 phút mỗi ngày. Nếu thời gian ngủ buổi tối không đủ, thì cần bổ sung sang giờ ngủ trưa.
Tuy nhiên, theo thạc sĩ, bác sĩ Bùi Diễm Khuê, thời gian ngủ tối + thời gian ngủ trưa = 10 tiếng, nhưng nó sẽ không phải là phép cộng cơ học 5+5=10. Hoàn toàn không hề tốt nếu học sinh ngủ ban đêm chỉ 5 tiếng nhưng ngủ trưa cũng 5 tiếng, dù thời gian cả ngày ngủ vẫn là 10 tiếng nhưng về lâu dài có hại cho sức khỏe.
“Giấc ngủ ban đêm rất quan trọng. Thực tế hiện nay nhiều học sinh bị rối loạn giấc ngủ. Khi giấc ngủ không được đảm bảo về số lượng (thời gian ngủ) và chất lượng, trong giấc ngủ bị ngáy, nói mớ, gặp ác mộng, mộng du, cử động bất thường trong giấc ngủ… đều được coi là rối loạn giấc ngủ. Khi ngủ đủ giấc, vào cuối đêm, thì giấc ngủ còn giúp phục hồi trí nhớ. Tức là nếu ngủ không đủ giấc, giấc ngủ bị cắt mất thời gian ngủ REM (giấc ngủ cử động mắt nhanh), trẻ sẽ khó tập trung, khó ghi nhớ bài học”, thạc sĩ, bác sĩ Bùi Diễm Khuê nói.
Không nên ngủ trưa bằng cách gục xuống bàn như thế này, lâu dài sẽ ảnh hưởng tới xương, khớp |
Ngủ trưa là một nghệ thuật. Ngủ trưa quá nhiều lại khiến cho buổi tối khó ngủ. Và không nên ngủ trưa sau 14 giờ. Hoặc là học sinh chỉ nên nằm ngủ khoảng 30 phút, lúc này chỉ là giấc ngủ mơ màng, cơ thể chưa chìm vào giấc ngủ sâu. Hoặc các em học sinh nên ngủ 90 phút, để giấc ngủ thật sự sâu, còn lại không nên nằm ngủ trong khoảng lỡ cỡ dưới 90 phút, vì khi giấc ngủ đang sâu, cơ thể bị đột ngột đánh thức tiếp tục trở lại để làm việc, học tập sẽ cảm thấy rất mệt mỏi, khó chịu.
“Nhiều học sinh có thói quen ngủ trưa bằng cách nằm gục xuống bàn, hay ngồi ngủ trên ghế. Tuy nhiên, điều này không nên. Vì trong độ tuổi học sinh, xương khớp đang phát triển, việc nằm ngủ sai tư thế sẽ khiến cho xương sống, xương đốt sống cổ bị ảnh hưởng, lâu dài khiến dễ thoái hóa xương khớp. Tốt nhất nên ngủ trên chiếu, nệm”, thạc sĩ, bác sĩ Bùi Diễm Khuê trao đổi.
[ad_2]
Source link