[ad_1]
Phải thay đổi, không bắt học sinh học thuộc, ghi nhớ máy móc
Sáng 22.5, phiên họp toàn thể lần thứ 3 của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội (Ủy ban) đã báo cáo và bàn thảo về việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với môn lịch sử cấp THPT.
Đa số ý kiến đại biểu đều đồng tình với báo cáo của Ủy ban về việc cần đưa môn lịch sử trở thành bắt buộc ở cấp THPT.
Đại biểu Hà Ánh Phượng phát biểu tại phiên họp sáng 22.5 |
Đại biểu Hà Ánh Phượng (Phú Thọ), cho rằng: học sinh lứa tuổi từ lớp 10 đến lớp 12 có nhân sinh quan tốt hơn, khi tiếp cận môn lịch sử sẽ ở tâm thế khác. Nếu đưa môn lịch sử thành tự chọn, theo đại biểu Phượng, tính tự học ở các em THPT ở nước ta chưa cao, trong khi học lịch sử rất khó xin việc thì bao nhiêu em sẽ học. E rằng sẽ xảy ra hệ lụy tương lai sau này.
Đại biểu Phượng cũng lấy ví dụ một số nước như Nhật Bản từng đưa môn lịch sử thành lựa chọn nhưng sau đó đã quay lại bắt buộc dạy học môn học này.
Dưới góc độ là giáo viên dạy cấp THPT, đại biểu Phượng chia sẻ: “Tôi có tâm sự với học sinh lớp tôi thì các em nói không chán hay sợ học môn lịch sử, nhưng các em cho biết đến khi kiểm tra thì thực sự là “ối giời ơi”. Điều này do đề kiểm tra môn sử yêu cầu ghi nhớ, học thuộc lòng quá nhiều sự kiện, số liệu”.
Do vậy, đại biểu Hà Ánh Phượng cho rằng mấu chốt là phải đổi mới kiểm tra đánh giá môn lịch sử, không bắt học sinh phải ghi nhớ máy móc và học thuộc lòng quá nhiều.
“Nhiều giáo viên đã nỗ lực đổi mới cách thức dạy học môn lịch sử bằng nhiều phương pháp khác nhau nhưng nếu kiểm tra, đánh giá, thi cử không thay đổi thì sẽ không tác động tích cực đến quá trình dạy và học môn học này”, đại biểu Phượng nói.
Đại biểu Nguyễn Thị Xuân, Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, đề nghị khi bàn luận về chương trình môn học này, cần tỉnh táo, tránh chạy theo dư luận giật tít theo hướng bỏ dạy học môn lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông.
Đại biểu Xuân cũng đề nghị ngành GD-ĐT cần thay đổi cách tiếp cận môn lịch sử trên cơ sở đổi mới phương pháp dạy và học tạo hứng thú cho học sinh; cần có đầu tư, quan tâm hơn nữa trong việc dạy môn lịch sử đúng với tầm quan trọng vốn có của nó…
“Hy vọng Bộ GD-ĐT tới đây sẽ tiếp tục tham mưu cho Chính phủ, thận trọng trong quá trình lắng nghe tiếp thu ý kiến, có bước đi và cách làm phù hợp trong việc triển khai dạy học môn lịch sử theo chương trình giáo dục phổ thông mới”, đại biểu Xuân đề nghị.
Chỉ đạo “lựa chọn môn lịch sử có tính định hướng”?
Đại biểu Trần Văn Thức, Giám đốc Sở GD-ĐT Thanh Hóa, cho rằng: đến thời điểm này đặt vấn đề sửa chương trình môn lịch sử từ lựa chọn thành bắt buộc ở cấp THPT là rất khó khi mà thời gian các địa phương phải chọn sách giáo khoa mới cho năm học mới đã cận kề.
Dưới góc độ quản lý giáo dục ở địa phương, ông Thức đề xuất cách làm: trước mắt năm học tới Bộ GD-ĐT có thể “xử lý” bằng cách “chỉ đạo lựa chọn có tính định hướng, tập trung với môn lịch sử”.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa – Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh |
Phát biểu kết luận phiên họp, ông Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, cho biết trước khi xây dựng báo cáo đưa ra tại phiên họp này, Ủy ban đã có nhiều cuộc họp, tọa đàm với các chuyên gia, nhà giáo, thành viên xây dựng chương trình, thẩm định chương trình…
Quá trình đó đã có những trao đổi rất quyết liệt, thậm chí gay gắt về việc giữ môn lịch sử là lựa chọn hay bắt buộc. Thậm chí chủ biên chương trình còn nói “tại sao lúc còn dự thảo đã xin ý kiến các anh rồi mà các anh không góp ý”…
Ông Vinh cho rằng: Ủy ban cũng đánh giá Bộ GD-ĐT rất nghiêm túc trong vấn đề này. Chúng tôi đối chiếu chương trình môn lịch sử mới với chương trình 2006 thì có nhiều tiến bộ, chúng tôi không băn khoăn gì về chuyên môn. Tuy nhiên, quá trình tiếp thu ý kiến của cử tri và các chuyên gia thì người ta chỉ băn khoăn là nếu học sinh ở cấp THPT không chọn môn lịch sử thì các em đó sẽ không học thêm khối kiến thức lịch sử nào nữa.
Ông Nguyễn Đắc Vinh cũng đề nghị nếu chuyển thành môn học bắt buộc thì không có nghĩa sẽ bắt buộc mọi học sinh học tất cả nội dung chương trình đang xây dựng theo hướng lựa chọn, phân hóa hiện nay. Những phần nâng cao, những chuyên đề thậm chí đưa nội dung từng dạy ở bậc đại học xuống THPT thì không nhất thiết phải cho tất cả học sinh học.
Để môn học này có sức hút với học sinh, ông Vinh cũng đề nghị Bộ GD-ĐT tiếp tục chỉ đạo đổi mới dạy học, thi kiểm tra đánh giá môn lịch sử như nhiều đại biểu đã nêu.
“Thi kiểm tra đánh giá nếu cứ bắt nhớ từng sự kiện, con số thì về chuyên môn lịch sử là đúng nhưng tạo sự hứng thú, yêu thích cho học sinh thì phải xem lại, có phần để học sinh thể hiện sự hiểu biết rộng hơn, sáng tạo hơn”, ông Vinh nói.
Sau phần phát biểu này, ông Vinh đề nghị tất cả các thành viên của Ủy ban biểu quyết về việc có đồng tình với đề xuất trong báo cáo của Ủy ban về việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với môn lịch sử cấp THPT.
Kết quả, 100% thành viên của Ủy ban có mặt tại phiên họp giơ tay đồng thuận, không có ý kiến khác.
Ủy ban Văn hóa – Giáo dục đề nghị môn lịch sử là bắt buộc ở cấp THPT
Như Thanh Niên đã thông tin: Báo cáo của Ủy ban Văn hóa – Giáo dục trình bày tại phiên họp sáng nay 22.5, cho rằng: môn lịch sử có vị trí đặc biệt, có ý nghĩa rất quan trọng trong chương trình giáo dục phổ thông, học sinh cần được trang bị khối lượng kiến thức này, vì vậy cần tiếp thu ý kiến đông đảo của cử tri, các tầng lớp nhân dân theo hướng quy định môn lịch sử là môn học bắt buộc đối với cấp trung học phổ thông trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với khối lượng kiến thức phù hợp;
Thiết kế bao gồm khối lượng kiến thức lịch sử (phần bắt buộc) và khối lượng kiến thức định hướng nghề nghiệp (phần lựa chọn).
Ủy ban Văn hóa – Giáo dục đề nghị Bộ GD-ĐT tiếp thu và quy định môn học lịch sử cấp trung học phổ thông trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là môn học bắt buộc.
[ad_2]
Source link