[ad_1]
Sinh viên Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM tìm hiểu thông tin trong ngày hội việc làm |
Những khó khăn trong công tác tuyển dụng được các doanh nghiệp chia sẻ trong hội thảo “Nhu cầu nguồn nhân lực trong lĩnh vực giao thông vận tải: Thích ứng trước những biến động và rủi ro” diễn ra tại Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, ngày 14.5.
Phát biểu tại hội thảo, tiến sĩ Nguyễn Văn Sáng, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Đèo Cả, cho biết nhu cầu lao động trong lĩnh vực xây dựng hiện đang rất lớn. Điều này căn cứ vào thực tế nhu cầu của xã hội trong phát triển hạ tầng giao thông giai đoạn tới. Từ nay đến năm 2025, hàng trăm km đường cao tốc cần xây dựng. Bên cạnh đó còn nhiều tuyến đường quốc lộ, cầu, đường vành đai… cần xây dựng theo kế hoạch.
Chia sẻ về nhu cầu nhân lực của đơn vị mình, ông Sáng thông tin: “Tập đoàn chúng tôi cũng rất khó khăn trong công tác tuyển dụng. Bởi hiện có thực trạng nhiều bạn học đúng ngành giao thông vận tải nhưng chỉ thích làm việc ở thành phố lớn trong khi các dự án nằm ở địa phương, thậm chí trong rừng sâu”.
Ông Sáng nói tiếp: “Hiện chúng tôi đang trải thảm đỏ để tuyển dụng sinh viên. Sinh viên chỉ cần tốt nghiệp ra trường chúng tôi sẵn sàng cầm tay chỉ việc, dẫn dắt thêm”. Phó tổng giám đốc này còn nhấn mạnh đến các chế độ chính sách, chế độ làm việc và các phúc lợi khác. “Công nhân của chúng tôi có phòng máy lạnh để ngủ nghỉ, được bao ăn ở và tiền lương còn nguyên xi”, ông Sáng cho hay.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch Công đoàn Tập đoàn Đại Dũng, cũng cho biết trung bình mỗi năm đơn vị này tuyển dụng hơn 300 kỹ sư. Nhưng nhu cầu nhân lực những năm sau này sẽ tiếp tục tăng. “Để tìm được kỹ sư chất lượng đảm bảo công việc ngay tương đối khó, phải trả mức lương khá cao”, ông Hùng nói.
Có mặt trong hội thảo, sinh viên Nguyễn Hoàng Phúc (ngành công nghệ thông tin Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM), đặt câu hỏi liên quan đến nhân lực nhóm ngành này. Ông Đồng Phạm Thanh Thế, Giám đốc dự án cấp cao TMA Tech Group, có những lưu ý về nhân lực trí tuệ nhân tạo (AI). Ông Thế nói: “Mảng AI hiện đang được triển khai rầm rộ, hiện là xu hướng sớm trong tương lai. Mảng này có những độ khó nhất định nên cũng kén người làm. Nhưng một khi bạn chứng tỏ được năng lực thì mức lương và vị trí công việc được hưởng xứng đáng”.
n
Làm gì để ra trường có việc ngay?
Chia sẻ về cơ hội việc làm khối ngành ngôn ngữ, ông Nguyễn Văn Sáng cho biết đây cũng là khối ngành có nhiều cơ hội việc làm trong các doanh nghiệp. Chẳng hạn tại Tập đoàn Đèo Cả, ông Sáng cho biết không chỉ có đội ngũ kỹ sư công nhân mà còn nhiều chuyên gia nước ngoài làm việc và các đơn vị thành viên tham gia thiết kế công trình ở nước ngoài nên việc sử dụng ngôn ngữ rất phổ biến.
“Thực ra, trong thời đại ngày nay, nếu làm việc không giỏi tiếng Anh thì rất khó phát triển, đơn giản chỉ nghiên cứu tài liệu cũng rất khó khăn”, ông Sáng nhấn mạnh.
Tương tự, ông Nguyễn Văn Hùng cũng cho biết nhu cầu tuyển dụng nhân lực có trình độ ngoại ngữ giao tiếp và chuyên ngành là tất yếu. Do vậy những sinh viên học tốt tiếng Anh hay bất cứ ngoại ngữ nào cũng có nhiều cơ hội việc làm và thu nhập thường rất cao.
Nhắn nhủ với sinh viên đang theo học, ông Nguyễn Văn Hùng chia sẻ: “Các em cần trau dồi từ kiến thức, kỹ năng và đặc biệt thái độ làm việc. Để sau khi ra trường tìm được việc làm tốt, sinh viên khối ngành kỹ thuật cần trau dồi cả tiếng Anh và các phần mềm chuyên ngành. Hiện nay các doanh nghiệp đang sử dụng nhiều phần mềm chuyên ngành chứ không chỉ công cụ thô sơ như ngày xưa nữa”.
“Sinh viên phải chủ động trong việc tiếp cận với doanh nhiệp và kiến thức thực tế. Ví dụ từ năm thứ 2 trở đi, các em có thể gửi thư đến doanh nghiệp xin làm việc, có thể chỉ tuần 1 buổi để làm quen tại doanh nghiệp. Nhưng sau một thời gian, các em không chỉ có thêm kiến thức, mối quan hệ, kiến thức thực tế mà có khi còn là việc làm sớm trước khi tốt nghiệp”, ông Hùng khuyên.
[ad_2]
Source link