[ad_1]
Cho con du hành qua chuyện kể là hành trình thú vị
bảo vy |
Anh Trần Hữu Tài, nhà đồng sáng lập Care with love, ông bố 4 con trong độ tuổi mầm non, tiểu học ở TP.HCM và vợ mặc định mỗi tối gia đình đều có “happy hour” (Giờ hạnh phúc). Đây là thời gian để tất cả các thành viên cùng trò chuyện với nhau, cha mẹ kể chuyện cho con nghe, ôm các con, nói những lời yêu thương trước khi đi ngủ.
“Trẻ em có thể có những chuyến du hành từ chính mỗi trang sách, mỗi câu chuyện kể. Khi được nghe kể chuyện, trẻ sẽ được phát huy trí tưởng tượng và sáng tạo”, anh Tài cho biết.
Anh Tài là 1 trong 3 diễn giả cùng trao đổi về “Những chuyến du hành từ chuyện kể” trong khuôn khổ Liên hoan kể chuyện cho trẻ em vừa khai mạc chiều nay, 17.4 tại TP Thủ Đức, TP.HCM. Đông đảo cha mẹ cùng con em đã có mặt để trải nghiệm nhiều hoạt động.
Các diễn giả cùng nói về những chuyến du hành từ trang sách
bảo vy |
Tại buổi trò chuyện, các khách mời nhấn mạnh tầm quan trọng của kể chuyện để phát huy trí tưởng tượng và tiềm năng của trẻ em.
Thầy Alan Phan, Tổng Hiệu trưởng trường Tiểu học Việt Nam Tinh Hoa – North London Collegiate School TP.HCM, chia sẻ bản thân mình có rất nhiều chuyến du hành trong đời thật, đây cũng chính là những trải nghiệm sống động để anh có thể kể lại cho những đứa trẻ.
“Tôi có những chuyến đi tới những cộng đồng không ai nói được tiếng Việt. Tôi rất lo lắng. Mọi người đều cố gắng trao đổi bằng những cử chỉ nhưng tất cả mọi người đều vui vẻ hỗ trợ. Tôi hiểu rằng nụ cười là ngôn ngữ chung. Nụ cười mở cửa những trái tim”, thầy Alan Phan kể.
Cô Nguyễn Tấn Thanh Trúc, quản lý thư viện Trường quốc tế BVIS, cho rằng bất kể phụ huynh nào cũng có thể cho con được những chuyến du hành, dù lên rừng, xuống biển qua những trang sách và những câu chuyện kể. Từ một bài thơ, một bức tranh, một chuyến đi chơi thể thao của bố, một công thức nấu ăn của mẹ… tất cả đều có thể trở thành chủ đề để trò chuyện cùng con.
Trẻ em tham gia các hoạt động khác từ lễ khai mạc
bảo vy |
“Bên cạnh việc kể chuyện, cha mẹ có thể diễn tả tiếng gió thổi, lá bay, tiếng chim hót, đó là những âm thanh rất sinh động mà trẻ em rất thích nghe. Các cha mẹ đừng nghĩ mình cần phải quá tài năng, chuyên nghiệp như nghệ sĩ mới có thể kể chuyện cho con, mà hãy đặt mình vào trong đứa trẻ. Hãy trò chuyện với con bằng cả trái tim”, cô Thanh Trúc chia sẻ.
Theo cô Thanh Trúc, mỗi ngôi nhà, trường học đều có thể hạnh phúc hơn từ những câu chuyện kể. “Mỗi ngày kể một câu chuyện với con, chúng ta sẽ tìm thấy những hạnh phúc giản dị. Bạn bè cùng đọc sách với nhau, thầy cô cùng đọc sách, trao đổi với các học trò những cuốn sách hay. Tôi luôn tin rằng mỗi ngôi nhà hạnh phúc, mỗi gia đình hạnh phúc sẽ khiến cộng đồng cùng hạnh phúc” , cô nói.
n
Cuốn sách và tấm gương
Anh Trần Hữu Tài cho rằng cha mẹ nên đặt câu hỏi “mình đang đọc sách cho con hay đang đọc sách cho mình”. Và không chỉ dạy con những lời khuyên sống nhân văn, tử tế, biết yêu thương người khác qua những trang sách, cha mẹ cũng phải là một tấm gương cho con. “Cha mẹ đọc cho con câu chuyện về sự lễ phép, nhưng có khi cha mẹ ra đường không chào hỏi người lớn, như vậy sẽ không thể nào giáo dục con trọn vẹn”, ông bố 4 con chia sẻ.
Liên hoan kể chuyện được trẻ em yêu thích
bảo vy |
Liên hoan kể chuyện cho trẻ em do Cộng đồng giáo dục Reggio Emilia tại Việt Nam (VIRES) phối hợp với Nhóm nghiên cứu thực hành tối ưu văn hóa cộng đồng Việt Nam – ASEAN (Mekongaholics ) cùng tổ chức.
Trong sự kiện khai mạc chiều nay còn có nhiều hoạt động kể chuyện đa dạng, phục vụ miễn phí cho thiếu nhi trong độ tuổi từ mầm non đến tiểu học: Kể chuyện với âm nhạc, kể chuyện bằng yoga, kể chuyện bằng tiếng Anh, đọc sách, kể chuyện bằng Kamishibai (kể chuyện bằng tranh vẽ, nghệ thuật của Nhật Bản).
Chiều nay, đông đảo trẻ em cũng thích thú khi được trải nghiệm nghệ thuật múa rối kể chuyện được một cô giáo trình bày.
Nghệ thuật múa rối kể chuyện bảo vy |
Chị Lê Nguyễn Tuệ Mẫn, đồng sáng lập xưởng mỹ thuật ứng dụng Kirakira Workshop tại TP.Thủ Đức, TP.HCM, người mẹ của 4 em bé cho hay từ khi các con chị còn nhỏ, chị đã duy trì thói quen đọc sách, kể chuyện cho con nghe vào mỗi buổi tối.
“Khoảng thời gian từ 19 tới 20 giờ mỗi ngày, chúng tôi cùng ngồi ở bàn, mẹ đọc sách, các con cùng làm bài tập hoặc đọc sách. Bây giờ nhiều bé lớn đã có thể tự đọc truyện. Đọc sách cho trẻ giúp các con có những chuyến du hành thú vị, phát triển năng lực tư duy, khả năng diễn đạt và khiến các con không ngừng sáng tạo”, chị kể.
Liên hoan kể chuyện cho trẻ em kéo dài từ ngày 17 đến 24.4.2022, với khoảng 100 sự kiện kể chuyện đa dạng hình thức diễn ra tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước (TP.HCM, Hà Nội, Hội An, Đà Lạt, Đồng Tháp, Quảng Ninh, Quảng Ngãi, Quy Nhơn, Nghệ An, Thái Nguyên, Lào Cai…).
Các hoạt động kể chuyện cho các con những chuyến du hành thú vị dành cho nhiều lứa tuổi, từ trẻ mầm non, tiểu học tới trung học phổ thông. Các ông bố bà mẹ, các giáo viên quan tâm tới chương trình đều có thể tham gia.
[ad_2]
Source link