[ad_1]
Mới đây, Tổ chức Nature Portfolio trực thuộc Tập đoàn xuất bản Springer Nature vừa công bố Nature Index 2022. Đây là bảng xếp hạng quốc gia và đơn vị nghiên cứu theo thành tích công bố trên một nhóm nhỏ tạp chí khoa học uy tín nhất thuộc 4 lĩnh vực: hóa học, khoa học vật lý, khoa học sự sống, khoa học trái đất và môi trường.
Hội thảo về đổi mới, sáng tạo trong nghiên cứu vật lý do Hội Vật lý Việt Nam tổ chức tại Trường ĐH Phenikaa, đơn vị có hoạt động nghiên cứu vật lý phát triển mạnh ở Việt Nam |
Vị trí 10 khu vực Châu Á – Thái Bình Dương
Trong số 175 quốc gia/vùng lãnh thổ được thống kê trong Nature Index, chỉ có 50 quốc gia/vùng lãnh thổ là được xếp hạng toàn cầu. Việt Nam nằm trong danh sách 50 quốc gia/vùng lãnh thổ này, cụ thể là ở vị trí thứ 46, với tổng chỉ số đóng góp trong các bài báo là 26,54, xếp ngay trên Croatia, Iceland, Slovakia, Romania.
Riêng ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, Việt Nam đạt vị trí thứ 10, xếp trên một số nước Đông Nam Á như Indonesia, Malaysia, Philippines… Thái Lan tuy ở ngay trên Việt Nam (thứ 9) nhưng chỉ số đạt được (65,5) cao gấp nhiều lần Việt Nam (trong danh sách toàn cầu, Thái Lan ở vị trí 40). Singapore (chỉ số 618,81) dẫn đầu Đông Nam Á, xếp thứ 17 thế giới, thứ 6 châu Á – Thái Bình Dương.
Điểm khác biệt quan trọng của Nature Index so với nhiều bảng xếp hạng khác là việc chọn lọc dữ liệu. Thay vì sử dụng kết quả công bố khoa học trên toàn bộ hàng chục ngàn tạp chí thượng vàng hạ cám của Web of Science (WoS) hay Scopus (những cơ sở dữ liệu tổng hợp các tạp chí khoa học thế giới), hoặc một số lượng rất lớn tạp chí trong 2 danh mục này để xếp hạng, Nature Index chỉ thống kê các bài báo công bố trên 82 tạp chí danh tiếng nhất. Để chọn ra 82 tạp chí này, Nature Index đã hỏi ý kiến 6.500 nhà khoa học khắp thế giới xem đâu là những tạp chí hàng đầu mà họ mong muốn công bố các công trình của họ. Nature Index đề nghị các nhà khoa học lựa chọn những tạp chí uy tín nhất theo đánh giá của họ mà không cần quan tâm đến các chỉ số trắc lượng của tạp chí, chẳng hạn như hệ số ảnh hưởng (impact factor).
Đánh giá trong những lĩnh vực mà Việt Nam tương đối phát triển
Để lý giải vì sao Việt Nam đạt vị trí khả quan, cần căn cứ vào cơ sở dữ liệu mà Nature Index dựa vào để đánh giá. Phạm vi đánh giá chỉ giới hạn trong 4 lĩnh vực mà những lĩnh vực này (cùng với toán học, nhưng toán không được Nature Index xếp hạng) đều tương đối phát triển ở Việt Nam so với các lĩnh vực khác, thành thử Việt Nam đạt được vị trí khá tốt trong bảng xếp hạng. Đây là kết quả rất đáng khích lệ khi xét đến bối cảnh dịch bệnh hoành hành khắp cả nước suốt năm ngoái khiến các đơn vị nghiên cứu phải đóng cửa nhiều tháng, và tỷ lệ đầu tư cho khoa học ở Việt Nam hiện nay mới chỉ đạt khoảng 0,44% GDP, thấp hơn nhiều so với mức trung bình của thế giới (2,23%) và nhiều nước trong khu vực.
82 tạp chí tốt nhất được các nhà khoa học lựa chọn bao gồm cả các tạp chí đa ngành lẫn một số tạp chí chuyên ngành. Nhóm 82 tạp chí này tuy chỉ chiếm dưới 5% về mặt số lượng nhưng đóng góp tới gần 30% tổng số trích dẫn của tất cả các tạp chí khối ngành khoa học tự nhiên nằm trong WoS. Do cách làm này, dữ liệu từ Nature Index có thể cho thấy phần nào bức tranh nghiên cứu chất lượng cao trong khối ngành khoa học tự nhiên tại mỗi quốc gia và đơn vị nghiên cứu.
n
Khu vực châu Á – Thái Bình Dương, Việt Nam đạt vị trí thứ 10 |
Giấc mơ nhóm 500 đơn vị nghiên cứu hàng đầu thế giới
Ở phạm vi quốc gia, Việt Nam đạt vị trí khả quan nhưng xét về đơn vị nghiên cứu, chúng ta chưa có một trường, viện nào lọt được vào Top 500 đơn vị nghiên cứu hàng đầu thế giới trong Nature Index (tổng số đơn vị nghiên cứu có tên trong Nature Index là khoảng hơn 10.000). Riêng trong nhóm 500 cơ sở nghiên cứu hàng đầu khu vực châu Á – Thái Bình Dương, chúng ta có đại diện duy nhất là Trường ĐH Phenikaa ở vị trí 391.
Tuy nhiên, với chỉ số đóng góp trong các công trình là 7,10, Trường ĐH Phenikaa vẫn còn cách xa cơ sở nghiên cứu xếp cuối cùng trong Top 500 thế giới là ĐH Nữ giới Hoa Lê (Ewha Womans University) của Hàn Quốc (chỉ số 28,24). Vì thế, việc Trường ĐH Phenikaa lọt vào nhóm 500 đơn vị nghiên cứu hàng đầu thế giới chưa phải là chuyện có thể sớm xảy ra.
Nếu lọc danh sách đơn vị nghiên cứu của riêng Việt Nam, 10 đơn vị dẫn đầu lần lượt là: Trường ĐH Phenikaa, Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam, Trường ĐH Duy Tân, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TP.HCM, Trường ĐH Tôn Đức Thắng, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, Học viện Kỹ thuật quân sự, Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam. Trong số 10 cơ sở nghiên cứu dẫn đầu Việt Nam, chỉ có 4 trường, viện có nhiều hơn 10 bài báo công bố trên nhóm 82 tạp chí của Nature Index, đó là Trường ĐH Phenikaa (13 bài), Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam (57 bài), Trường ĐH Duy Tân (15 bài) và ĐH Quốc gia Hà Nội (18 bài).
Như chúng tôi đã nói trên đây, Nature Index là một bảng xếp hạng đặc biệt, chỉ tập trung đánh giá nghiên cứu chất lượng cao. Thậm chí, hơn cả một bảng xếp hạng, Nature Index là cơ sở dữ liệu mở thống kê kết quả công bố khoa học của các quốc gia và đơn vị nghiên cứu cũng như mạng lưới hợp tác khoa học toàn cầu. Trong khi các bảng xếp hạng khác chỉ cho biết kết quả xếp hạng chứ không chia sẻ dữ liệu dùng để xếp hạng, Nature Index công khai dữ liệu và thông tin chi tiết đến từng bài báo. Nhờ có dữ liệu này, chúng tôi phân tích sâu hơn và phát hiện nhiều thông tin đáng suy nghĩ. Các kết quả xếp hạng trên chỉ là phần nổi, còn phần chìm phản ánh phần nào thực lực nghiên cứu chất lượng cao của các trường, viện ở Việt Nam. (Còn tiếp)
Sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc
Mỹ vẫn đứng đầu bảng xếp hạng Nature Index 2022, theo sát là Trung Quốc. Hai quốc gia này bỏ xa các nước xếp tiếp sau trong Top 10, với thứ tự lần lượt là Đức, Anh, Nhật Bản, Pháp, Canada, Hàn Quốc, Thụy Sĩ và Úc. Khoảng cách giữa Trung Quốc và Mỹ đã thu hẹp đáng kể so với năm 2021 khi mà chỉ số đóng góp của Mỹ trong các công trình khoa học hàng đầu giảm 6,2% (mức tụt giảm mạnh nhất trong nhóm 10 nước dẫn đầu) trong khi Trung Quốc tăng tới 14,4%.
Bảng xếp hạng Nature Index cũng chứng kiến sự vươn lên mạnh mẽ của rất nhiều ĐH của Trung Quốc. Trong số 50 đơn vị nghiên cứu tăng trưởng về công bố nhanh nhất năm nay, có tới 31 ĐH Trung Quốc. Một thí dụ tiêu biểu là ĐH Giang Tô với chỉ số đóng góp trong các công trình khoa học chất lượng cao năm 2021 tăng tới 118% so với năm trước đó. Nếu duy trì được tốc độ tăng trưởng như hiện nay, Trung Quốc sẽ sớm chiếm vị trí dẫn đầu của Mỹ trong Nature Index chỉ sau một vài năm nữa.
Được biết, tỷ lệ đầu tư của Trung Quốc cho khoa học so với GDP đã tăng liên tục từ 0,56% vào năm 1996 lên 2,14% năm 2018. Năm ngoái, khoản đầu tư của nước này cho nghiên cứu và phát triển chiếm tới 2,4% GDP.
Ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, theo sau Trung Quốc là các nước Nhật Bản, Hàn Quốc và Úc (các nước này đều nằm trong Top 10 thế giới). Ấn Độ xếp ở vị trí thứ 5 với chỉ số đóng góp chỉ kém Úc vài phần trăm. Đáng chú ý là chỉ số của Úc giảm 3,7% so với năm 2021, trong khi Ấn Độ tăng tới 15,2%. Nhiều khả năng Ấn Độ sẽ thế chỗ Úc trong nhóm 10 nước dẫn đầu bảng xếp hạng Nature Index sang năm.
[ad_2]
Source link